TS.NGUYỄN CHÍ BÍNH, TRƯỞNG PHÒNG THANH TRA - PHÁP CHẾ, VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI, BÀN VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở giáo dục đại học là hoạt động thanh tra nội bộ, giúp phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, phát hiện những sai phạm và các hành vi vi phạm pháp luật...

 

Hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở giáo dục đại học là hoạt động thanh tra nội bộ, giúp phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, phát hiện những sai phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị biện pháp khắc phục và phòng ngừa từ đó giúp các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp có hiệu quả vào việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học. Bài viết này nhằm làm rõ vai trò của hoạt động thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học.

1. Vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra trong các cơ sở giáo dục đại học 
        Cơ sở giáo dục đại học bao gồm các Đại học, Trường Đại học, các Viện đào tạo, Viện nghiên cứu và các Trung tâm đào tạo (gọi chung là trường) có chức năng đào tạo bậc giáo dục đại học. Trong các trường đại học, công tác thanh tra là một trong những hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của thanh tra: “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”. Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu các vi phạm quy chế, quy định, pháp luật. Thanh tra cùng với các phương thức kiểm tra, giám sát sẽ giúp bảo đảm kỷ cương pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, cũng luôn có tác dụng hạn chế, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng quản lý; khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật. Để đảm bảo thực hiện tốt việc thanh tra, vấn đề quan trọng hàng đầu là vấn đề con người. Đây là khâu then chốt quyết định chất lượng hoạt động thanh tra. Chính vì vậy, Hồ Chủ Tịch đã cho rằng, vấn đề then chốt là “tìm người và kiểm tra công việc, tất cả là ở đó”. Người cũng nhấn mạnh “kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”. Bác Hồ cũng chỉ rõ, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu 3 điểm đó sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.“Có thể nói rằng chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, nếu tổ chức tốt được sự kiểm tra chu đáo, thì công việc của chúng ta sẽ nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm lần”

2. Những hạn chế trong công tác quản lý giáo dục đại học thời gian qua 
        Việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã tạo ra một bước chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 31/12/2011 đã có 270 trường đại học, cao đẳng xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 314 trường tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; 294 trường đại học, cao đẳng cam kết chất lượng đào tạo. Bên cạnh những thành công đó, vẫn còn một số hạn chế: 
        - Việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường thời gian qua đã xuất hiện một số trường hợp chấp hành chưa nghiêm kỷ cương pháp luật, dẫn tới nhiều sai phạm như: xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế; liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo (trong nước và quốc tế) sai quy định. 
        - Công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học còn chậm so với kế hoạch, chất lượng văn bản chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 
        - Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học chậm được triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát huy được hiệu quả, chưa trở thành công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về giáo dục đại học. 
        - Việc thực hiện ba công khai còn mang tính hình thức, đối phó, nhiều trường chỉ công khai mức học phí, một số hoạt động đào tạo dẫn đến thiếu thông tin cho người học, công tác kiểm tra, giám sát bị hạn chế. 
        - Chương trình đào tạo chậm đổi mới, không gắn với thực tiễn; các công nghệ mới và hiện đại về giáo dục đại học chưa được nghiên cứu và áp dụng; phương pháp giảng dạy lạc hậu; khoa học về đánh giá chưa được nghiên cứu và áp dụng. 
        - Môi trường sư phạm trong nhà trường chưa được quan tâm xây dựng, việc nể nang, giảm nhẹ yêu cầu trong thi cử, đánh giá đã ảnh hưởng tới động cơ học tập của người học, tình trạng gian lận trong thi cử, sao chép luận văn, luận án, các đề tài khoa học trong các cơ sở đào tạo vẫn còn xảy ra. 
        - Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình; chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo. 
        - Tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số trường còn chậm, thiếu quyết liệt và còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và một bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức. 

3. Thực trạng và giải pháp chủ yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra 
        • Thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở giáo dục đào tạo đại học. 
        Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị này đã được triển khai sâu rộng trong tất cả các trường Đại học, Cao đẳng trong toàn quốc, từng bước khắc phục những yếu kém, bất cập về chất lượng đào tạo và quản lý, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số thiếu sót cần khắc phục, đặc biệt là trong công tác thanh tra, kiểm tra. 
        Theo tổng kết của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở các cơ sở giáo dục đại học ít có cơ quan, cán bộ và đảng viên bị tố cáo, ít có sai phạm phải xem xét kỷ luật. Tuy nhiên, ở những nơi có phát sinh vụ việc đối với cán bộ giảng viên (bị tố cáo, có vi phạm phải xem xét xử lý kỷ luật …) thì việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu là do Cấp ủy, Ban giám hiệu, Ban giám đốc chưa coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, chưa nhận thức đầy đủ vị trí, nội dung của công tác này nên sự quan tâm đến nó còn hạn chế. 
        • Giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các cơ sở giáo dục đại học. 
        Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây: 
        - Tiếp tục đổi mới tư duy về công tác thanh tra, kiểm tra. 
        Không thể hiểu giản đơn công tác thanh tra, kiểm tra chỉ là việc xem xét xử lý kỷ luật, giải quyết tố cáo, mà cần hiểu chính xác: Công tác thanh tra chủ yếu là để phát huy ưu điểm, chủ động ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm, khuyết điểm trong bộ máy, góp phần giáo dục cán bộ đảng viên, giáo viên tăng cường kỷ cương kỷ luật của Đảng, của tổ chức và của nhà trường. 
        - Các cán bộ lãnh đạo, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đối với công tác thanh tra kiểm tra, hỗ trợ tích cực đối với công tác này để thanh tra thực sự là công cụ quan trọng góp phần trợ giúp đắc lực cho Ban lãnh đạo, cho người đứng đầu cơ sở, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. 
        - Thực hiện tốt việc bồi dưỡng tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra của cơ sở, kể cả các đồng chí là cán bộ chủ chốt của đơn vị. Việc bồi dưỡng bảo đảm có chất lượng cao, nội dung thích hợp, có hệ thống, cụ thể thiết thực, nên chỉ đạo tổ chức tập huấn thí điểm để rút kinh nghiệm. Ngoài việc mở các lớp bồi dưỡng tập trung, cần tổ chức có chất lượng việc sơ kết, tổng kết định kỳ công tác thanh tra, kiểm tra (6 tháng hoặc 1 năm) và chuyên đề đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về công tác bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra, kiểm tra cơ sở. 
        Hy vọng rằng, trong thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần vào việc đổi mới phương pháp quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.